Thời gian trôi qua thật nhanh, thấm thoát đã 20 năm tôi được sống và làm việc trong ngôi nhà Thanh niên xung phong (TNXP). Đó là khoảng thời gian vô cùng tươi đẹp đối với tôi, bởi lẽ, tôi đã có những kỷ niệm không bao giờ quên được.
Ngày con bé, tôi thường được nghe mẹ kể chuyện về thời tuổi trẻ của mẹ khi tham gia TNXP thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngày đó, mẹ tôi được phân công vào Đội TNXP Phân khu I ở rừng Bời Lời và Dương Minh Châu (thuộc tỉnh Tây Ninh), với nhiệm vụ cứu thương. Dù trong gian khó, khổ cực của chiến tranh, bom đạn, xa gia đình, xa người thân nhưng tình cảm của các đồng chí, đồng đội TNXP vẫn luôn tràn đầy, anh chị em quan tâm giúp đỡ nhau trong mọi công việc, sống vui vẻ, chan hòa như anh chị em một nhà. Từ đó, tôi luôn mong muốn sau này khi lớn lên mình có thể tham gia một môi trường giống như vậy.

Tôi (đứng hàng thứ 2, thứ 10 từ phải qua) chụp hình kỷ niệm cùng đồng đội TNXP năm 2009
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trung cấp chuyên ngành Kế toán – Lao động tiền lương của Trường Đại học Lao động Xã hội, tôi gia nhập Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi tôi được phân công đến là Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 4 (Trường 4), nay đã sáp nhập vào Cơ sở cai nghiện ma túy số 3. Dù biết trước là đi đến một nơi ở vùng sâu, vùng xa, là nơi khó khăn, gian khổ, nhưng thật tình tôi cũng không nghĩ là nó xa và còn nhiều khó khăn đến như vậy. Trường 4 cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100 km. Con đường từ trung tâm huyện Tân Uyên vào Trường 4 khoảng 30 km toàn là đất đỏ, sỏi đá, bụi bay mịt mù mỗi khi có xe máy hoặc ô tô chạy qua. Dọc hai bên đường là rừng cao su bạt ngàn. Sau gần 4 giờ đồng hồ vừa đi vừa hỏi đường trên chiếc xe cúp 50 phân khối, tôi cũng tới được Trường 4. Trường nằm cuối con đường, phía sau lưng là dòng Sông Bé, dọc hai bên đường vào trường là rừng cao su thẳng tắp. Thời đó, nơi đây chưa có điện lưới quốc gia, phải sử dụng mày nổ để phát điện, đến 21g là tắt. Nước sử dụng được bơm lên từ dòng Sông Bé, mùa nắng thì nước trong, đến mùa mưa thì nước đỏ ngầu. Ăn uống, tắm rửa, mọi sinh hoạt đều từ nguồn nước này. Thời gian đầu mới sử dụng chưa quen nên tôi có cảm giác rất khó chịu. Điện thoại chưa được kéo đến nên mọi thông tin liên lạc về gia đình chỉ là những lá thư. Lần đầu xa gia đình, lên một vùng đất mới xa xôi, vắng vẻ nên tôi rất nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ cảnh đông vui nơi phố xá tấp nập. Thật sự lúc đó tôi chỉ muốn rời bỏ để về Thành phố tìm kiếm một công việc khác.
Thế nhưng, khi tôi còn suy nghĩ, do dự thì những tình cảm, sự thân thiện và lạc quan yêu đời của những đồng nghiệp đã đem lại cho tôi sự ấm áp như đang sống dưới mái nhà của mình. Các cô chú, anh chị đồng nghiệp sống rất tình cảm, không có sự phân biệt về trình độ, vùng miền, tất cả đều đùm bọc, động viên nhau trong công việc, san sẻ, giúp đỡ nhau khi có ai trong đơn vị đau ốm hay người thân của họ qua đời. Cũng chính vì những tình cảm quý báu đó của các đồng đội TNXP mà tôi vượt qua những khó khăn về địa lý, về điều kiện cơ sở vật chất và tôi đã gắn bó với TNXP.

"Trường nằm cuối con đường, phía sau lưng là dòng Sông Bé, dọc hai bên đường vào trường là rừng cao su thẳng tắp"
Không bằng lòng với trình độ chuyên môn hiện có của mình, tôi luôn nghĩ là cần phải nâng cao trình độ để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của đơn vị và thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng mặc khác, tôi cũng nghĩ chắc có lẽ mơ ước đó sẽ không bao giờ thành hiện thực vì địa bàn nơi đơn vị đóng quân là vùng sâu, đường sá đi lại xa xôi, khó khăn, vất vả, làm công tác quản lý người nghiện ma túy 24/24 giờ thì làm sao mà có thể đi học để nâng cao trình độ được. Thật may mắn, lãnh đạo Lực lượng TNXP và đơn vị đã nhìn ra được mong muốn của tôi và các anh chị đồng nghiệp khác nên đã liên kết với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp đào tạo đại học theo hình thức vừa làm vừa học cho viên chức, người lao động. Cuối năm 2005, chúng tôi vỡ òa sung sướng và hạnh phúc vì được trở thành sinh viên đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, học vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Vui, nhưng chúng tôi cũng xác định rằng đây chỉ là bước đầu. Để có được tấm bằng Cử nhân thì mỗi chúng tôi phải cố gắng nỗ lực thật nhiều mới có thể theo kịp chương trình, bởi vì các sinh viên bình thường chỉ học thôi cũng vất vả mới hoàn thành được chương trình học, huống gì như chúng tôi vừa làm việc vừa học trong điều kiện áp lực công việc rất cao.
Trải qua nhiều khó khăn, với sự nỗ lực không ngưng nghỉ và sự quan tâm động viên của lãnh đạo đơn vị, cuối năm 2009, chúng tôi được Ban Giám hiệu Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trao tấm bằng Cử nhân Kinh tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Chúng tôi lại một lần nữa vui mừng, hạnh phúc, bởi ngày xưa vì nhiều lý do, nhiều hoàn cảnh khác nhau mà chưa được bước chân vào giảng đường Đại học. Người may mắn hơn, tốt nghiệp các lớp Trung học chuyên nghiệp thì nay đã có được tấm bằng Cử nhân cầm trên tay.
Chúng tôi vô cùng biết ơn lãnh đạo Lực lượng TNXP và các đơn vị vì đã có chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng của viên chức, người lao động và đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi được học tập tốt nhất. Sự giảng dạy nhiệt tình của các thầy cô đã giúp chúng tôi có thêm kiến thức quý báu, vận dụng vào thực tế công việc, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng phát triển.
Nhìn lại chặng đường 20 năm đã qua, tôi rất tự hào khi tuổi trẻ của mình đã gắn bó với màu áo TNXP. Nơi đây, tôi được học tập, rèn luyện, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để nâng đỡ những bước chân lầm lỡ, giúp người nghiện ma túy làm lại cuộc đời. Công tác trong môi trường TNXP, tôi có được mái ấm gia đình với đồng nghiệp cũng tham gia công tác cùng đơn vị. Dù hiện nay hai chúng tôi công tác tại hai đơn vị khác nhau nhưng đều trực thuộc Lực lượng TNXP, tôi công tác ở Cơ sở xã hội Nhị Xuân, còn chồng tôi công tác ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP. Chúng tôi hay cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp thời tuổi trẻ tham gia TNXP, gặp gỡ những đồng nghiệp cũ, luôn động viên nhau nỗ lực trong công tác, góp phần xây dựng đơn vị, Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển.
Hà Nguyễn