
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, tôi lại nhớ những kỷ niệm thuở ấu thơ được cùng ba mẹ trong những ngày giáp Tết lau lá chuối, lá dong để gói bánh chưng, bánh tét. Đây cũng là món ăn không thể thiếu được trong ngày Tết của mọi gia đình người Việt.
Năm nào cũng vậy, gần đến Tết là ba mẹ lại điện thoại hỏi thăm khi nào chúng tôi được nghỉ Tết và dặn chúng tôi đừng mua bánh trái gì vì mẹ đã làm sẵn rồi. Tôi bảo ba mẹ đừng làm gì cho vất vả, để chúng tôi mua về cho tiện, nhưng mẹ tôi không chịu, vì có những thứ tự mình làm thì mới có ý nghĩa của hương vị ngày Tết. Về đến nhà, tôi thấy ba mẹ đã chuẩn bị từng xấp lá dong, từng tàu lá chuối, nếp, đậu xanh, thịt heo … để chuẩn bị cho việc gói bánh. Năm nào cũng vậy, từ 15 đến 20 tháng chạp là ba tôi tranh thủ chặt từng tàu lá chuối, đem vô dựng trong nhà, vì ba tôi sợ gió to phá nát lá chuối, không có để gói bánh. Mẹ tôi thì mua thêm một ít lá dong cho phong phú thêm, và vì đôi khi mưa gió to, lá chuối rách tả tơi, không đủ để gói bánh. Việc gói bánh là công việc của ba, ba gói bánh chưng không cần khuôn, chỉ bằng tay thôi mà cái nào cái nấy vuông vắn và rất đều nhau. Nhìn bàn tay thoăn thoắt gói cánh của ba, chị em tôi thích lắm, cũng nhờ ba chỉ dạy nhưng cả năm chị em tôi không tài nào làm được. Ba lấy gỗ đóng cho chúng tôi những chiếc khuôn để chúng tôi tập gói bánh (vì ba tôi là thợ mộc), nhưng rồi chị em chúng tôi cũng không thể nào làm được những chiếc bánh vuông và đẹp như ba. Ba bảo bánh đẹp chưa đủ mà còn phải ngon và giữ được lâu, do vậy phải chọn những hạt nếp tỉ mỉ và phải đều nhau tăm tắp, không sứt mẻ; muốn bánh có màu xanh thì phải chọn lá xanh mượt, bản to và đều nhau, không rách nát. Thứ hai, nhân làm bánh từ đậu xanh có ruột vàng óng, được tách vỏ kỹ càng, luộc mềm xào với hành, tiêu,… cho đến khi nghe mùi thơm phức rồi mới đem đi gói, hoặc thịt heo phải có chút nạc chút mỡ mới thật ngon. Thứ ba, khi nấu bánh phải chọn từ những nhánh củi to cháy đều. Bánh khi nấu phải cho vào cùng lượt, nấu nước sôi rồi giữ lửa đều để bánh chín dần, phải canh chừng, nếu thiếu nước thì châm thêm vào, nấu khoảng từ 8 đến 10 tiếng bánh mới chín, sau đó vớt bánh ra, ép bánh hoặc treo lủng lẳng trong nhà cho ráo nước, giữ được lâu. Không chỉ có đôi bàn tay khéo léo của ba, mà còn tình yêu thương vô bờ của mẹ gói trọn trong những chiếc bánh chưng, khiến cho chiếc bánh càng trở nên đặc biệt và đáng quý hơn. Mẹ còn bảo trong bánh chưng hội tụ đủ các nguyên liệu từ động vật đến thực vật, điều đó thể hiện sự sung túc, ấm no. Thông thường, gia đình tôi gói bánh vào ngày 27 và 28 vì đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau một năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết. Đây cũng là dịp để ông bà, bố mẹ và con cháu sum vầy trước không khí rạo rực của mùa xuân.
Bánh chưng có ý nghĩa không chỉ về mặt dinh dưỡng mà nó chính là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới. Những ngày Tết đến xuân về, những chiếc bánh chưng hay đòn bánh tét đều có trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình để dâng cúng ông bà tổ tiên. Mỗi miếng bánh như lời dặn dò của thế hệ trước đối với con cháu sau này luôn giữ gìn tuyền thống của dân tộc.
Bánh chưng là món ăn truyền thống của người Việt, được ví như linh hồn của bữa cơm ngày Tết, không chỉ là để ấm lòng, mà còn là một nét văn hóa của người Việt.
Lê Thị Thúy Hà