Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38052984
Hương vị bánh chưng ngày Tết

      Mỗi năm, khi đàn én từ phương Nam tránh rét trở về, hàng xoan trước ngõ bắt đầu nảy lộc, đơm hoa sau một mùa đông giá rét là tôi cảm nhận được Tết đã cận kề. Nhà nhà lại rộn ràng, tất bật, tranh thủ làm cho xong những công việc còn dang dở của năm cũ để bắt tay vào việc trang trí nhà cửa và chuẩn bị đón Tết.

     Tết ở quê tôi bắt đầu rất sớm. Từ ngày 23 tháng Chạp, khi người lớn chuẩn bị mâm cơm tiễn ông Táo về chầu trời, bọn trẻ con mừng vui vì sắp không phải tới trường, ấy là lúc bắt đầu thấy Tết. Theo phong tục ở quê tôi, Táo quân được cho là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là cầu nối của muôn nhà đến với Ngọc Hoàng. Hàng ngày, Táo quân ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người, cuối năm về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, vì thế mà mâm lễ vật cúng ông Táo lúc nào cũng được chuẩn bị tươm tất và chu đáo.

     Sau hôm tiễn ông Táo, mẹ tôi bắt tay vào việc chuẩn bị gói bánh chưng. Lúa nếp được mẹ để dành suốt một năm trong bồ đã được lấy ra và đưa đi xay, những hạt gạo nếp to, tròn mẩy đã sẵn sàng để cho ra những chiếc bánh chưng thơm ngon, béo ngậy. Mẹ tôi vẫn thường hay nói, dù giàu hay nghèo, cả năm có vất vả ra sao thì Tết cũng không thể thiếu được nồi bánh chưng. Có lẽ vì thế mà từ lâu trong tâm trí của tôi bánh chưng đã trở thành thứ không thế thiếu trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Mẹ nói bánh chưng muốn ngon thì gạo nếp phải được chọn lựa kỹ càng, phải là loại gạo nếp dẻo, hạt to, đều, không sâu bệnh, có như vậy mới cho ra được những chiếc bánh chưng ngon.

     Để làm ra thứ bánh thơm ngon ấy, mẹ tôi phải dậy sớm đi chợ mua những chiếc lá dong xanh mướt, rồi về rửa sạch, lau khô từng lá, sau đó mẹ chuẩn bị nhân cho bánh chưng gồm đậu xanh và thịt heo. Thịt heo phải là loại thịt ba rọi tươi ngon, được cắt thành miếng lớn, ướp với các gia vị như muối, bột ngọt, nước mắm,…thêm hành củ, tiêu đen để tạo nên hương vị đậm đà. Sau các công đoạn chuẩn bị thì gia đình tôi tập trung cho việc gói bánh chưng. Tôi phụ mẹ lau lá dong, vo gạo nếp và giúp bố những công việc lặt vặt. Gói bánh không chỉ cần đủ các nguyên vật liệu mà còn đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo của người gói, làm sao cho bánh được vuông đều, buộc dây không quá lỏng cũng không quá chặt, để khi nấu bánh chín đều mà vẫn giữ được màu xanh đẹp mắt và mùi vị thơm ngon, vậy nên thường là bố và các chú tôi đảm nhận việc này. Lúc này, vui nhất cũng vẫn là lũ trẻ con chúng tôi, chạy ra chạy vào, ngó nghiêng để đòi 1 chiếc bánh con con cho riêng mình và đánh dấu để tránh nhầm lẫn, thất lạc.

     Khi những chiếc bánh chưng được xếp vào nồi thì trời cũng vừa tối, mẹ đã nhóm bếp sẵn để nấu bánh. Củi là loại củi nhãn, để tạo ra ngọn lửa đều, nóng lâu. Ngày Tết, ở quê tôi quan trọng nhất là nồi bánh chưng, người lớn, trẻ em quây quần bên nồi bánh nghi ngút khói. Việc ngồi trông bánh, tiếp củi, chờ đợi chiếc bánh cho riêng mình và nghe ông bà kể chuyện xưa luôn hấp dẫn trẻ con trong nhà. Tôi luôn là đứa dành thức để trực nồi bánh chưng cùng bà nội, phụ giúp bà đổ thêm nước vào nồi bánh chưng và tiếp thêm củi vào bếp, rồi nghe bà kể chuyện về những ngày Tết như sự tích Táo quân hay sự tích Cây Nêu ngày Tết,…để rồi ngủ quên lúc nào không hay. Bánh chưng phải được nấu liên tục từ 8 đến 9 tiếng, khi bánh chưng chín thì trời cũng đã rạng sáng. Bố tôi nhanh tay vớt những chiếc bánh nóng hổi, nghi ngút khói để lên kệ cho ráo nước, những đứa trẻ con chạy lon ton để tìm chiếc bánh nhỏ của mình, rồi háo hức chạy khoe với bạn bè. Những chiếc bánh chưng đẹp nhất sẽ được chọn để dâng lên bàn thờ tổ tiên, làm quà biếu anh em nội ngoại, phần còn lại sẽ được dùng trong mâm cơm tất niên và mâm cơm những ngày Tết. Với tôi, không gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức chiếc bánh chưng do chính tay mình làm ra, hương vị thơm dẻo của gạo nếp hòa quyện với thơm béo của thịt heo, đậu xanh khiến cho ai đã thưởng thức 1 lần cũng khó có thể quên được.

     Giờ đây, khi đang công tác tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân, gói bánh chưng là một việc được duy trì hàng năm nhằm chăm lo Tết cho học viên, người nghiện ma túy. Tôi và anh em đồng nghiệp cùng nhau tham gia gói bánh chưng, mỗi người nhận cho mình một nhiệm vụ và ai cũng cố gắng để hoàn thành thật nhanh, để cho ra những mẻ bánh chưng ngon nhất để chăm lo tết cho các em học viên. Mọi người ngồi quây quần bên nhau, rôm rả tiếng cười đùa, thi thoảng lại có tiếng ai đó hối thúc nhanh tay để không bị chậm trễ. Có lẽ vì thế mà dù đón tết xa nhà 8 năm nhưng tôi luôn cảm nhận rõ không khí của những ngày Tết, nỗi nhớ nhà cũng vì thế mà qua nhanh.

     Ngày nay, mua sắm cho ngày Tết đã dễ dàng hơn, bánh chưng cũng được bày bán rất nhiều tại các chợ, siêu thị, thế nhưng nhà tôi vẫn giữ thói quen gói bánh chưng. Tết Nguyên đán Quý Mão đã đến thật gần, tôi nhớ lắm hương vị bánh chưng ngày tết. Tết này, tôi lại về bên bố mẹ, cùng mẹ đi chợ tết, phụ bố bố gói bánh chưng như ngày bé để giữ cho mình hương vị bánh chưng và cũng là lưu giữ lại những kỷ niệm.

Đặng Thương

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn