Thanh Niên Xung Phong về Cần Giờ lập “nông trường Dừa” sau thời đi biên giới. Cô nữ sinh áo trắng Nguyễn Thị Bạch Tuyết từng đốt xe Mỹ đỏ trời Sài Gòn, năm 1980, trấn thủ nông trường. Lý tưởng thanh niên muốn cống hiến, sự xa cách đò giang, sinh thái khí hậu, nước uống, máy móc và ngay cả quan niệm cuộc sống xưa cũ lạc hậu, hòa trộn lơ lửng trên khung trời Đỗ Hòa khắc nghiệt cho tới thời thủ trưởng Phan Tấn Lân – người có biệt danh là Ông Đen.
Chị Bạch Tuyết, cấp trưởng, thành thân với bác sĩ Thiều Hoành Chí, nhưng đến cựu sinh viên Đại học khoa học, cựu tù Côn Đảo Ông Văn Chiến, cấp phó, thì chỉ dừng lại ở Lời Tỏ Tình. Thanh Niên Xung Phong có một thời như thế, một đời như thế. Và nhờ như thế, Thanh Niên Xung Phong hấp dẫn hơn.
Sức hấp dẫn ấy đưa đoàn văn nghệ sĩ Thành phố chúng tôi về Đỗ Hòa sáng ngày 14.01.2010. Chiếc cầu cho ghe cập “chốt” làm bằng cây thô sơ, ngôi nhà fibrô vách gỗ cũ kỹ, hai ba mươi người, có cả các cháu TNXP đời thứ hai tóc xanh, có anh tóc bạc, tóc muối tiêu tụ lại. Ấm cúng, tươi trẻ, se sắt hoài niệm và sức sống TNXP dậy lên trên từng mặt người.

Trại sáng tác tại chốt Đổ Hòa
Tự nhiên như là quen nhau đã lâu. Mọi người nhắc lại và yêu cầu nhà thơ Nam Thiên - Ông Văn Chiến và kỹ sư nhạc sĩ Trương Quang Lục nhắc “chuyện đời xưa”: “Lời tỏ tình trên đảo ông Đen”.
Nam Thiên xúc động: năm 1980 - 1981, chúng tôi về Đỗ Hòa “chân ráo chân trơn” sình lầy, nắng, gió, bù mắc, muỗi, xa nhà, nước uống phải đi chở xa, mỗi người một ngày chỉ được hai lít. Chúng tôi chỉ có tình đồng đội đậm đà tha thiết và trái tim muốn cống hiến, muốn biến Đỗ Hòa thành vùng đất đẹp. Và trong lao động đầy khắc nghiệt ấy, những mối tình TNXP nở hoa, “sợi chỉ tình quấn quít”, “chia nhau nắng sớm mưa chiều” … Cuộc tình tôi là tình buồn, không phải vì nông trường không “xanh mượt bóng dừa” mà lúc đó, trai gái TNXP yêu nhau không dễ !
Sự thất vọng vón thành thơ ở những ngày cuối năm như hôm nay, thơ rỏ máu xuống đời tôi, “thời khao khát tình yêu và sự nghiệp”. Khát khao “những lối đi thẳng vào tương lai mới”, “đem thủy chung ngăn những điều gian dối” vì khi yêu tôi đã tưởng “trăng cứ rằm tròn hạnh phúc”, trái ngọt cây lành. Nào ngờ, không được vậy!
Chuyện tình dang dở trên đảo ông Đen ấy được đem đăng báo. Nhạc sĩ kỹ sư Trương Quang Lục bắt được nhịp tim yêu dào dạt, đem thơ vào nhạc. Người nhạc sĩ tóc trắng màu mây còn giữ kỹ bức thư cảm ơn của anh Nam Thiên, bức thư dài tự tình thời 1981.
Anh Trương Quang Lục vốn là TNXP thời kháng Pháp, công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng trước khi hưu, muốn viết bài nhạc tình TNXP để trả ơn đời, bỗng dưng thấy “sáng mai này ta nói những lời tỏ tình trên đảo Ông Đen khiến thành phố trông theo và cô gái che nón tai bèo cười đến nghiêng sông nước” thì quả là nồng nhiệt và lãng mạn.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục thổ lộ trên vùng “đất có người và đã có tên Ông Đen”: “Tôi rất ngại sáng tác mình đi vào hư không, nhưng anh em TNXP chấp nhận nó, đưa đi hội diễn ở Nhà văn hóa Thanh Niên và các tổng đội, đến khi Trần Ngọc hát trên đài Đồng Nai, báo Tuyến Đầu của TNXP đăng tiếp theo báo Tuổi Trẻ, thì bài hát lan xa hơn. Như Hảo hát, Nhất Sinh hát, Khắc Dũng hát, Hạnh Nguyên hát, Thùy Dương hát, Cao Minh hát, Châu Tuấn hát … mỗi người yêu Thanh Niên Xung Phong thế nào thì hát thế đó, không thể nói ai hát hay hơn ai. Nhưng tôi mừng là trong TNXP lúc đó và thế hệ sau 1986, cũng hát Lời Tỏ Tình…”.
Nhạc sĩ TNXP Nguyễn Cửu Dũng nói, lúc đó, cũng có nhiều người phổ nhạc bài thơ của anh Nam Thiên, nhưng anh Lục “phổ” ăn ý nhất. Hay hơn là hôm nay, cả hai tác giả cùng đến Đỗ Hòa.
Trưa hôm quay về Thành phố, chị Hoàng Thị Diễm Trang - Phó Chỉ huy trưởng Lực Lượng TNXP đón chúng tôi bên cầu An Nghĩa, chị nhắc một thời TNXP như lời tâm tình về Đỗ Hòa, Duyên Hải (bây giờ là Cần Giờ) và chị hát, chị ngâm bài thơ cách nay ba mươi năm ấy. Tiếng hát dội vào rừng Cần Giờ những âm vang dìu dặt, giọng ngâm len vào lòng đoàn người chất giọng Huế thiết tha : “Ta đã cho nhau nắng sớm mưa chiều, anh tỏ tình cả thành phố trông theo, em che nón tai bèo cười nghiêng sông nước, vết gai mới bâu áo sờn lại xước, sợi chỉ tình lại quấn quít đời ta, sông muôn đời vẫn bồi đắp phù sa …”.
Hình ảnh em - che - nón - tai - bèo - cười, một nụ cười vương vấn tôi suốt mấy chục năm nay, bỗng bừng dậy khi qua phà Bình Khánh.
Cần Giờ nay có “những lối thẳng đi vào tương lai mới” như nhà thơ Nam Thiên mơ ước 30 năm trước và tôi biết, TNXP trên các chốt giữ rừng vẫn còn giữ “tấm lòng thắm thiết như tình yêu những người mở đất” Đỗ Hòa.
Trần Anh Tài
(Cựu TNXP)