Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38037177
truyền thống cách mạng
Hồ Chí Minh và các nhân tài quân sự Việt Nam: 11 tướng lĩnh Bác Hồ ký phong hàm Tướng đầu tiên

      Trong lịch sử 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta, để đi tới ngày toàn thắng 30/4/1975, vai trò các tướng lĩnh là yếu tố vô cùng quan trọng. Tại chiến khu Việt Bắc, 74 năm trước (1948) đã diễn ra Lễ phong quân hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tại thôn Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh phong hàm Tướng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bật của Quân đội nhân dân Việt Nam.

     1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)

     Quê quán: huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

     Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925, năm 1940 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1944, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ông mới 33 tuổi. Ông nổi tiếng trong chỉ huy tại chiến trường Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp tháng 7/1954. Đại tướng có nhiều công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Sau khi thôi giữ nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

     Năm 1948, ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi được phong quân hàm Đại tướng, lúc đó ông 37 tuổi.

     Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, các Huân chương cao quý Việt Nam. Ông đã từ trần ngày 4/10/2013, thượng thọ 103 tuổi. Hiện nay, nơi yên nghỉ của Đại tướng được đặt tại Vũng Chùa - Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

     2. Trung tướng Nguyễn Bình (1908 - 1951)

     Quê quán: huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

     Cuối năm 1945, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng cử vào Nam Bộ lo việc chỉnh đốn phong trào kháng chiến và thống nhất các lực lượng vũ trang tại Nam Bộ. Bằng tài trí của người cộng sản, ông đã thuyết phục 25 Chi đội của nhiều lực lượng, giáo phái (kể cả Cao Đài, Hòa Hảo…) đoàn kết, thống nhất lại và có những đóng góp lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

     Năm 1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng và cử làm tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ. Năm 1951, ông được ra Bắc. Trên đường hành quân qua Campuchia, Trung tướng bị địch phục kích, đã anh dũng hy sinh.

     3. Thiếu tướng Nguyễn Sơn (1980 - 1956)

     Quê quán: huyện Gia Lâm, Hà Nội.

     Ông được mệnh danh là “Lưỡng quốc tướng quân”, là người Việt Nam duy nhất được phong quân hàm tướng của hai quốc gia độc lập. Thời kỳ đầu, ông đã đóng góp công sức lớn và được coi là một trong những người có nhiều đóng góp vào Cách mạng Trung Hoa. Năm 1945, ông trở về nước hoạt động theo đề nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

     Năm 1948, trong đợt phong hàm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

     Năm 1950, ông trở lại Trung Quốc công tác, làm Cục phó Cục Điều lệnh Tổng giám bộ huấn luyện Quân Giải phóng Nhân dân. Ông được Chính phủ Trung Quốc phong hàm Thiếu tướng ngày 27/9/1955. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh và được chính phủ Trung Quốc tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Ông mất cuối năm 1956 tại Thành phố Hà Nội.

     4. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1906 - 1986)

     Quê quán: huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

     Tháng 01/1948, ông giữ chức Tổng Thanh tra Quân đội kiêm chức Hiệu trưởng Trường Lục quân Việt Nam (1948 - 1954). Ông từng là Chỉ huy trưởng của Mặt trận tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo quân đội chống lại cuộc tấn công đầu tiên của Pháp vào căn cứ Việt Bắc. Sau đó, ông làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Pháo binh (1954 -1956), Hiệu trưởng đầu tiên Trường Sĩ quan Pháo binh (1956 - 1963) kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Phòng không. Năm 1963 ông chuyển sang làm công tác đối ngoại.

     Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong hàm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

     5. Thiếu tướng Chu Văn Tấn (1909 - 1984)

     Quê quán: huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

     Ông nguyên là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước Cách mạng tháng Tám, ông từng chỉ huy Cứu quốc quân phát triển lực lượng, đánh du kích ở Tràng Xá, Võ Nhai phát triển về Đại Từ (Thái Nguyên), cướp được nhiều vũ khí của quân Pháp. Các binh sĩ Pháp đặt cho ông biệt danh là “Hùm xám Bắc Sơn”.

     Năm 1948, ông làm Khu trưởng Khu 4 rồi Chiến khu 1, Bí thư Khu ủy. Cùng năm này, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong hàm đầu tiên. Năm 1959, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng và là một trong hai Thượng tướng đầu tiên lúc bấy giờ.

     6. Thiếu tướng Hoàng Sâm (1915 - 1968)

     Quê quán: tỉnh Quảng Bình.

      Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân Quân đội Nhân dân Việt Nam) được thành lập tại Cao Bằng, đặt dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp. Vào thời điểm đó, ông Hoàng Sâm trở thành đội trưởng đầu tiên. Ông đã chỉ huy Đội đánh các đồn Phai Khắt, Nà Ngần. Sau những chiến thắng đầu tiên này, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành một đại đội gồm ba trung đội và Hoàng Sâm được cử làm đại đội trưởng. Thời gian sau, Đội phát triển thành Chi đội (tức Tiểu đoàn), Hoàng Sâm trở thành Chi đội trưởng Giải phóng quân.

     Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, khi đó, ông chỉ mới 33 tuổi.

     7. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (1915 – 1986)

     Quê quán: huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

     Ông tốt nghiệp tiểu học Pháp - Việt loại ưu, nhưng do gia cảnh nghèo khó phải bỏ học đi làm thuê. Năm 1936, ông tham gia bãi công chống lại chủ mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Năm 1938, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, ông được cử đi học tại Trường Quân sự Liễu Châu (Trung Quốc). Năm 1944, ông về nước và trở thành một trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Năm 1945, ông trở thành Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội ta, đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục 3 khóa III, IV và V, được đánh giá là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng trong việc hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ. Ông đã góp công trong nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950), Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh.

     Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành một trong số những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1980, ông được phong hàm Đại tướng.

     8. Thiếu tướng Lê Hiến Mai (1918 - 1992)

     Quê quán: huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

     Ông tham gia cách mạng từ năm 1939. Năm 1940, ông là Thư ký Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Phản đế tỉnh Sơn Tây. Từ năm 1941 đến năm 1944, ông bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi tù ở nhiều nơi. Tháng 8 năm 1944, ông vượt ngục tham gia Cứu quốc quân.

     Năm 1948, ông được thụ phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt phong hàm đầu tiên. Năm 1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng.

     9. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (1917 - 2002)

Quê quán: huyện Từ Liêm, Hà Nội.

     Từ năm 1953 đến 1978, được giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh chống Mỹ, đồng chí Văn Tiến Dũng được giao trọng trách trực tiếp chỉ đạo và góp phần thực hiện thắng lợi vang dội ở các chiến dịch quân sự lớn, tạo ra các bước ngoặt của chiến tranh, như: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị - Thiên (1972), Chiến dịch Tây Nguyên (1975). Tháng 4/1975, được cử giữ chức Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã đóng góp trực tiếp về chỉ đạo kết thúc chiến tranh miền Nam - Việt Nam. Sau chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ tháng 5/1978 đến năm 1980, ông được giao nhiệm vụ Phó Bí thư thứ nhất Quân ủy Trung ương và từ tháng 2/1980 đến 1986, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, góp phần quan trọng vào giữ vững biên cương của Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

     Năm 1948, ông được thụ phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1959, được thăng quân hàm Thượng tướng (thăng vượt cấp). Năm 1974, Văn Tiến Dũng được phong hàm Đại tướng.

     10. Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997)

     Quê quán: huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

     Năm 1933, ông theo học tại trường Pétrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê  Hồng Phong). Với nỗ lực vượt bậc, ông xuất sắc đỗ thủ khoa cả hai bằng Tú tài Bản xứ và Tú tài Tây. Năm 1935, ông được giúp đỡ một suất học bổng ở Pháp, vào học 3 trường đại học nổi tiếng tại Paris và trở thành kỹ sư giỏi về ngành Hóa học và công trình giao thông… Năm 1946, theo lời mời của Bác Hồ, ông về nước, tham gia tổ chức và chế tạo các vũ khí cho quân đội ta tại núi rừng Việt Bắc. Cũng năm đó, Bác Hồ trực tiếp giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam). Tên tuổi của ông gắn liền với những sản phẩm vũ khí quân sự nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam như đạn Bazoka, súng SKZ hay các loại bom bay có sức công phá mạnh nhất trong vũ khí Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau ngày miền Bắc được giải phóng, ông được cử làm Viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam và là Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên xô, Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức.

     Ông đã được tặng Huân chương Sao Vàng, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và nhiều Huân Huy chương cao quý của Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Dân chủ Đức.

     Ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên năm 1948.

     11. Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907 - 1967)

     Quê quán: huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

      Ngày 03/02/1930, dưới sự lãnh đạo của ông, hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đã nổi dậy đấu tranh đòi quyền sống, làm nên làn sóng “Phú Riềng đỏ” thắng lợi trong đấu tranh cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tướng Trần Tử Bình được cử làm chỉ huy mặt trận Đường số 2 - Sông Lô, đập tan một trong 2 gọng kìm thực dân Pháp tiến quân lên Việt Bắc, hòng âm mưu bắt giữ cơ quan đầu não kháng chiến của ta, nhưng đã nếm mùi thất bại khi chưa thực hiện được âm mưu này.

     Năm 1948, ông được phong Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên. Cùng thời gian đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng thanh tra Quân đội. Ông làm Công tố viên trong phiên Tòa án quân sự tối cao xét xử vụ án Trần Dụ Châu tham nhũng năm 1950. Trong công tác thanh tra, thiếu tướng Trần Tử Bình được gọi thân mật là Bao Công. “Bao Công” trong công việc và gần gũi, giản dị trong cuộc sống đời thường.

Phạm Bá Nhiễu (Tổng hợp)

 

 

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn