Xem bài viết theo chủ đề

Liên kết website

 

Số lượt truy cập
38091745
THÔNG TIN TỔNG HỢP
Quy trình dành cho học viên cai nghiện bắt buộc

     Căn cứ các văn bản quy định của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Lực lượng TNXP đã ban hành quy trình dành cho người cai nghiện ma túy bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Lực lượng TNXP. Theo đó, học viên từ khi vào cơ sở cai nghiện phải trải qua 4 giai đoạn chủ yếu với thời gian tương ứng.

            1. Giai đoạn tiếp nhận, phân loại, bố trí; Điều trị; Huấn luyện

            Sau khi đối chiếu hồ sơ, đơn vị tiếp nhận học viên, kiểm tra sức khỏe ban đầu và cấp phát đồ dùng cá nhân. Căn cứ vào các tiêu chí như: mức độ nghiện, loại ma túy sử dụng, số lần cai nghiện, tiền án, tình hình sức khỏe…, học viên sẽ được bố trí vào các Khu/Đội, Tổ phù hợp.

            Học viên được điều trị cắt cơn giải độc, điều trị nhiễm trùng cơ hội (nếu có), điều trị thay thế nằng Methadone theo quy định của Bộ Y tế.

            Tất cả học viên khi vào cai nghiện tại cơ sở được tổ chức huấn luyện trong thời gian tối đa 4 tuần, tại các Khu/Đội Quản lý - Giáo dục học viên, gồm các nội dung cơ bản: Phổ biến các quy định của pháp luật, quy chế của cơ sở, nội quy dành cho học viên, các chế độ sinh hoạt, lao động, học tập, công tác giao ban nhóm; Thực hiện điều lệnh đội ngũ, trật tự nội vụ, giữ gìn an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ…; Hoạt động bổ trợ: vệ sinh cảnh quan, hoạt động thể dục thể thao…

            2. Giai đoạn Giáo dục, tư vấn, tham vấn, phục hồi hành vi nhân cách và tổ chức lao động.

            Thực hiện từ tháng thứ hai đến khi học viên tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung thực hiện giai đoạn này gồm:

            - Giáo dục chuyên đề. Chương trình giáo dục nhằm xây dựng những quan điểm, nhận thức đúng, tạo lập tình cảm và thái độ đúng về những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, xã hội và đất nước; hình thành những thói quen, hành vi văn minh, phù hợp với chuẩn mực xã hội hiện nay; có kiến thức và kỹ năng phòng chống tái nghiện và những kỹ năng khác để xây dựng lại cuộc sống của mình khi tái hòa nhập với cộng đồng. Chương trình gồm một số nội dung như: Bảo vệ và tăng cường sức khỏe, Trách nhiệm công dân, Kỹ năng dự phòng tái nghiện…

            - Học văn hóa. Học viên được tham gia các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, các lớp giáo dục thường xuyên trung học cơ sở, trung học phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả học tập của học viên.

            - Phục hồi hành vi nhân cách, tư vấn, tham vấn, liệu pháp tâm lý.

            + Giao ban nhóm, gồm các bước: Đọc triết lý; Thông tin nội bộ, thời sự; Biểu dương người tốt, việc tốt; Đóng góp ý kiến (tự phê bình, phê bình); Sinh hoạt văn hóa - văn nghệ; Nhận xét và phân công giao ban. Giao ban nhóm được thực hiện ít nhất 02 buổi/tổ/tuần tại các Tổ học viên; thời gian giao ban được tổ chức vào buổi tối hoặc buổi sáng.

            + Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống với các giá trị cơ bản: Tôn trọng; Yêu thương (Tình yêu); Trung thực; Trách nhiệm; Giản dị… Tài liệu, phương tiện thực hiện là các phim ngắn (video clip) về giá trị sống; các bài viết, câu chuyện về các giá trị sống. Hoạt động giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống được tổ chức ít nhất 1 buổi/tổ/tuần.

            + Phong trào văn thể mỹ giúp học viên rèn luyện thể chất, phục hồi sức khỏe, thay đổi hành vi, giao tiếp. Duy trì thường xuyên 02 bài thể dục buổi sáng để rèn luyện thói quen tập thể dục cho học viên. Các hoạt động thường được tổ chức là bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, bi da, trò chơi dân gian… Các hoạt động này được tổ chức thường xuyên.

            + Tư vấn, tham vấn. Cán bộ, nhân viên của cơ sở và nhất là Ban Giám đốc, phòng Giáo dục - Tư vấn, Ban Chỉ huy, Tổ trưởng tại các Khu/Đội Quản lý - Giáo dục học viên thường xuyên thực hiện hoạt động tham vấn, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm giúp học viên tháo gỡ những vướng mắc, lo lắng về môi trường cai nghiện, về gia đình, sức khỏe… cung cấp các thông tin, giải thích cho học viên hiểu rõ về chính sách, quyền hạn, trách nhiệm của mình trong quá trình cai nghiện tại cơ sở. Các loại hình tư vấn, tham vấn gồm: tư vấn nhóm (tiếp xúc đối thoại, phổ biến quy định…) và tham vấn, tư vấn cá nhân. Việc tư vấn nhóm, tham vấn, tư vấn cá nhân được thực hiện thường xuyên, định kỳ và theo nhu cầu của học viên.

            + Tổ chức các liệu pháp trị liệu tâm lý như: dưỡng sinh, thiền, yoga; các chương trình nói chuyện của chuyên gia, lớp học kỹ năng… Việc tổ chức các liệu pháp trị liệu tâm lý hỗ trợ cho học viên trong quá trình cai nghiện được thực hiện khi có sự hướng dẫn của người có chuyên môn và cơ sở đáp ứng được các yêu cầu khác về cơ sở vật chất, phương tiện.

            - Tổ chức lao động cho học viên sau giai đoạn điều trị, huấn luyện. Học viên được nghỉ lao động các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết theo quy định. Việc tổ chức lao động phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động. Các loại hình lao động gồm:

            + Lao động trị liệu: Học viên được tham gia lao động trị liệu và được phân công công việc phù hợp với sức khỏe, trình độ, độ tuổi, giới tính giúp cho học viên nhận được giá trị của lao động và phục hồi kỹ năng lao động. Các hoạt động lao động hàng ngày như dọn vệ sinh phòng ở, vệ sinh cảnh quan, trồng cây…

            + Lao động có thu nhập: đơn vị tuyển chọn học viên đủ sức khỏe, hướng dẫn kỹ thuật để học viên tham gia một số loại hình lao động như gia công, nông nghiệp, phục vụ…; học viên được trả công phù hợp với kết quả lao động. Phải đảm bảo an toàn lao động.

            3. Học nghề

            Học viên chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp, có nhu cầu học nghề sẽ được tham gia các lớp học nghề do cơ sở cai nghiện và Trung tâm Giáo dục thường xuyên TNXP phối hợp tổ chức. Kinh phí học nghề theo quy định của pháp luật và quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; học viên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa được học trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần phí học nghề. Học viên đạt yêu cầu khi thi kết thúc khóa nghề được cấp bằng sơ cấp nghề.

            4. Dự phòng tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

            - Dự phòng tái nghiện: trước 3 tháng khi học viên hết thời hạn chấp hành quyết định của tòa án thì cơ sở cai nghiện lập kế hoạch chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho học viên. Nội dung gồm các phần chính:

            + Tiếp xúc, ghi nhận ý kiến và lập phiếu nhu cầu, gửi thông báo về địa phương nơi cư trú của học viên.

            + Tư vấn cho học viên: các chế độ, các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng; hỗ trợ tạo việc làm; các câu lạc bộ đội/nhóm sau cai nghiện tại địa phương, tổ công tác cai nghiện, đội công tác xã hội tình nguyện, nhóm tự lực tại địa phương nơi học viên cư trú; tư vấn pháp lý.

            + Hướng dẫn học viên xây dựng kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng, bao gồm những vấn đề: việc làm, sự kỳ thị, kỹ năng từ chối sử dụng ma túy…

            - Tái hòa nhập cộng đồng:

            + Học viên chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc cấp Giấy chứng nhận gửi cho học viên và các cơ quan theo quy định.

            + Học viên không được xác định nơi cư trú và không còn khả năng lao động thì sau khi hết thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được đưa về cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc.

            + Học viên được cấp chứng chỉ, bằng cấp học văn hóa, học nghề (nếu có).

            + Học viên là thân nhân của những người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp tiền ăn đi đường, tiền tàu xe để trở về nơi cư trú.

            + Hoàn trả lại những vật dụng cá nhân, tiền dư (nếu có).         

                                                                                                                                                             Thủy Triều

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  
Xem tin theo ngày
Trang chủ  Sơ đồ site
       
   LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                 Người phát ngôn:  Đồng chí: Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh
       Địa chỉ: số 636, đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh                    ĐT: (028) 38 249 624; Email: lmkhoa.tnxp@tphcm.gov.vn
       Điện thoại: (028) 38 249 623 – 38 249 624 – Fax: (08) 39 245 211                                                 Đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. Hồ Chí Minh.
       Website: www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn –  Email: tnxp@tphcm.gov.vn                                  ĐT: (028) 38 249 625; Email: nguyenvanbinh.tnxp@tphcm.gov.vn