Về Cần Giờ, chúng tôi có dịp trở thành bạn đồng hành cùng các cán bộ, nhân viên Đội bảo vệ rừng Lôi Giang trong chuyến tuần tra bảo vệ rừng, chứng kiến và được nghe bao câu chuyện về tình yêu của họ với màu xanh của rừng…. Sự hy sinh thầm lặng của các anh góp phần bảo vệ cho rừng Cần Giờ mãi xanh tươi.
Theo chân các anh thăm rừng bằng ghe máy, tôi được thỏa thích nhìn ngắm những cánh rừng ngập mặn xanh mướt bạt ngàn nằm dọc bên sông. Anh Vũ Đức Thắng, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng Lôi Giang cho tôi biết: “Do đặc thù sông nước, anh em tuần tra bảo vệ rừng phải dùng ghe máy đi dọc theo các bờ sông, rạch, nên ai cũng thông thuộc hết các luồng rạch, nhánh sông, cũng như quy luật lớn, ròng của từng con nước”. Chiếc ghe của chúng tôi trôi nhẹ trên mặt sông, xung quanh là màu xanh ngút ngàn của cây sú, vẹt, đước, mắm, ráng, chà là. Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà nhỏ khang trang nằm đơn độc giữa rừng cây ngập mặn. Anh Thắng cho chúng tôi biết đó là các chốt bảo vệ rừng, do các chốt mới xây dựng nên mới được khang trang như vậy. Trước kia, chốt chỉ là ngôi nhà sàn lợp lá ọp ẹp và tù túng; mùa nắng tuy mát nhưng rất dễ bị cháy, còn mùa mưa thì rất dễ bị gió giật tốc mái hoặc ngã sập. “Hiện nay, 4 chốt thuộc Đội bảo vệ rừng đều được bê tông kiên cố. Ngoài nơi ở khang trang, các chốt còn được trang bị phương tiện và dụng cụ hỗ trợ đầy đủ, chỉ có nước sạch là anh em còn phải mua về sinh hoạt” - anh Thắng tâm sự.
Chúng tôi dừng tại một chốt bảo vệ rừng, được ngồi trò chuyện với anh Nguyễn Văn Long (Chốt bảo vệ rừng Rạch Đôn), người nhân viên giữ rừng hiền lành và chất phác đã để lại một ấn tượng khó quên với tôi khi lần đầu tiếp xúc. Sau cái bắt tay hỏi thăm, anh Long vui mừng nói: “Lâu lắm rồi mới có người từ thành phố xuống thăm anh em của chốt đó”. Anh công tác ở rừng hơn 21 năm, đó cũng là ngần ấy thời gian anh Long cống hiến mồ hôi, nước mắt và cả máu cho rừng. Anh là 1 trong số hàng vạn thanh niên bỏ tuổi xuân đi tái tạo rừng Cần Giờ những năm 1990. Anh Long nhớ lại: “Không có bút mực nào tả hết nỗi cực khổ thời đi trồng rừng. Hồi đó, anh đi trồng rừng mỗi tháng được nghỉ phép 4 ngày về thăm gia đình. Để việc trồng rừng lâu dài, đầu tiên làm là anh em là dựng chòi để có chổ ở. Vì tất cả đều bị ngập khi nước lên nên mọi người phải lấy đất đắp cao, sau đó trải vải nhựa xuống, rồi dựng chòi. Ăn uống kham khổ, sinh hoạt thiếu thốn, mỗi chuyến đi trồng rừng về thăm gia đình kiểu gì cũng vài người bệnh. Ngoài ra, trồng rừng phải dựa vào con nước để biết thời điểm chính xác mới có thể nắm phần thắng. Vì cây con ngâm trong nước dễ bị úng, bị đục thân nên khả năng sống sót rất thấp, 10 cây trồng xuống có khi chỉ sống được 6, 7 cây, có lúc không được cây nào, nên được một cây, quý một cây. Hôm nay có một cây sống là mừng một cây. Ngày mai có thêm một cây nữa là mừng thêm chút nữa. Nhiều ngày vui nối tiếp mới có được rừng như hôm nay”.
Để có được lá phổi xanh cho huyện Cần Giờ nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung là nhờ công sức rất lớn của nhiều lực lượng, song sự hy sinh, đóng góp của người trồng và giữ rừng như các anh là không hề nhỏ. Những câu chuyện cảm động mà chúng tôi đã ghi lại được xem như một minh chứng cho sự hồi sinh của rừng ngập mặn Cần Giờ. Trồng rừng đã khó, công tác giữ rừng lại càng khó hơn bởi nạn “lâm tặc” hàng ngày luôn đe dọa nguồn tài nguyên rừng. Anh Long kể: “Chúng hoạt động rất tinh vi, canh con nước lên là đưa ghe vào chặt đước hay chà là nhanh gọn rồi cột cây vào hai bên xuồng, ghe tẩu thoát. Khi phát hiện có người đi tuần là chúng liền cắt dây, bỏ cây chạy thoát thân. Lâm tặc còn trang bị cả súng tự chế, ná, cung tên… (loại dùng để săn bắt thú rừng) để chống trả những lúc cần thiết ”. Ngoài ra, anh còn cho biết thêm đối với người đi đêm ở rừng chưa quen thì muỗi là nỗi ám ảnh rất lớn. Có những đêm muỗi cắn, các anh phải tha sình non cho không bị muỗi đốt .

Khi nước ròng, ghe không thể vào con rạch nên các anh phải lội sình kiểm tra rừng
Tuy gắn bó với rừng hơn 21 năm, nhưng mỗi tháng anh chỉ được nhận gần 5 triệu đồng. Con số gần 5 triệu đồng mà anh nói khiến chúng tôi không khỏi giật mình, thắc mắc: Với số tiền ấy, anh và các anh em ở đây sẽ lo liệu như thế nào khi sau lưng còn có cả một gia đình mong ngóng? Anh thở dài: “Để trang trải cho cuộc sống vợ mình đi làm phụ thêm. Vợ bảo, anh cứ yên tâm công tác, sau này còn mong có đồng lương hưu. Tiền học cho con, mọi thứ gia đình để em lo”.
Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi còn có dịp gặp anh Nguyễn Văn Dũng (Chốt An Đông), anh Dũng ngậm ngùi: “Phải cố mà tiết kiệm chứ sao, ở trong rừng nên chi tiêu cũng không tốn kém lắm, thức ăn chủ yếu là từ thiên nhiên, …, trừ chi phí sinh hoạt, đi lại thì mỗi tháng cũng dành dụm cho vợ con được 1,5 - 2 triệu đồng. Đương nhiên, số tiền ít ỏi ấy chỉ đủ sinh hoạt tằn tiện, còn chuyện học hành của con cái thì vợ làm thêm, làm mướn phụ vào”.
Điều kiện sinh hoạt của các anh ở các chốt trong rừng thiếu thốn, sóng điện thoại chập chờn, nguồn điện chủ yếu sử dụng năng lượng mặt trời, chỉ đủ thắp sáng đến 21 giờ hằng ngày. Trong câu chuyện của các anh, chúng tôi còn biết được chuyện học ăn, học ở, học đi của các anh, nghe cứ như đùa nhưng lại là sự thực. Anh Nguyễn Đức Thắng, cho chúng tôi biết là “Học ăn - tức ăn những sản vật từ rừng như rau, củ, quả cho đến con cá, ếch, nhái, ểnh ương; học ở - tức là ở được với muỗi; học đi - tức là học cách lội sình, học cách lái ghe”. Vất vả là thế, nhưng đặc thù công việc, mỗi tháng anh em chỉ được nghỉ một lần phép để về với vợ con. Tuỳ từng thời điểm, nếu vào mùa cao điểm thì số ngày nghỉ cũng ít hơn, thậm chí nhiều anh em không về phép ở lại bảo vệ rừng.
Không phải nói nhiều, chúng ta cũng có thể hình dung ra những khó khăn vất vả và thử thách đối với các anh. Và nhìn vào rừng xanh bạt ngàn thì ai cũng thấy thành quả, những nỗ lực không mệt mỏi của các anh trong suốt những chặng đường đã qua đối với công tác trồng và bảo vệ rừng. Với các anh, dù có vất vả, nguy hiểm tới đâu thì niềm vui lớn nhất và hạnh phúc nhất là bảo vệ sự bình yên cho những cánh rừng Cần Giờ, bảo vệ được những thành quả của những thế hệ cán bộ, đội viên TNXP trong việc trồng và giữ rừng.
Chúng tôi không khỏi quyến luyến khi chia tay với những con người thân thương đã, đang và sẽ ngày đêm canh giữ cho lá phổi xanh thành phố. Ngắm nhìn lại những khu rừng đang vươn mình, phủ một màu xanh ngút ngàn, chúng tôi càng cảm nhận được rất rõ, rừng xanh là sức sống, là mùa xuân mới đang đến và mãi ở lại với những người giữ rừng Cần Giờ.
Đoàn Toàn